Dịch Covid-19 khởi phát từ thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc từ tháng 12/2019. Tới thời điểm Trung Quốc tích cực chống dịch từ ngày 20/1, nCoV đã trở thành mối đe dọa nghiêm trọng. 74.576 ca nhiễm được phát hiện tại Trung Quốc đại lục, với 2.118 trường hợp tử vong. Toàn thế giới ghi nhận 75.662 người nhiễm nCoV và 2.130 người chết.
Nhằm ngăn virus lây lan, Trung Quốc áp lệnh phong tỏa nhiều địa phương cùng các biện pháp hạn chế đi lại, khiến khoảng 780 triệu người , tương đương hơn một nửa dân số cả nước, nằm trong vòng kiềm tỏa. Một số hãng hàng không ngừng bay đến Trung Quốc, trong khi hơn 133 nước áp dụng các biện pháp hạn chế nhập cảnh với công dân Trung Quốc hoặc những người từng đến nước này.
Thế cô lập khiến nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang phải "dậm chân tại chỗ", đồng thời kìm hãm sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI), kế hoạch đầy tham vọng của Chủ tịch Tập Cận Bình nhằm phát triển mạng lưới cơ sở hạ tầng nối với khu vực Đông Nam Á, Trung Á, Trung Đông, châu Âu và châu Phi. Bắc Kinh cho biết tính đến tháng 3/2019, 125 quốc gia và 29 tổ chức đã ký kết 173 thỏa thuận hợp tác trong khuôn khổ BRI.
"Nhiều nhà máy tại Trung Quốc vẫn đóng cửa, còn những nơi đã hoạt động trở lại không thể đạt công suất tối đa", nhà phân tích Boyang Xue tại công ty tư vấn Ducker Frontier cho biết.
Theo chuyên gia này, các dự án thuộc sáng kiến BRI tại nước ngoài thường nhập thiết bị, máy móc từ nhà sản xuất ở Trung Quốc, nên sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng sẽ gây trì hoãn tiến độ, trong khi hoạt động của các công ty ở nước ngoài bị đình trệ vì công nhân Trung Quốc chưa thể quay lại làm việc sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.
Dự án của một số công ty Trung Quốc tại Indonesia, như Tsingshan Holding Group và Zhejiang Huayou Cobalt, bị gián đoạn do Indonesia hồi đầu tháng 2 quyết định ngừng các chuyến bay từ Trung Quốc, đồng thời từ chối nhập cảnh với những người từng ở Trung Quốc đại lục trong vòng 14 ngày.
Dự án đường sắt cao tốc trị giá 6 tỷ USD, giúp kết nối thủ đô Jakarta với Bandung, trung tâm dệt may của Indonesia cách đó khoảng 140 km, cũng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Tập đoàn Đường sắt Quốc tế Trung Quốc, công ty chịu trách nhiệm tiến hành dự án, đã thành lập một nhóm công tác nhằm giám sát sự lây lan của nCoV, đồng thời kêu gọi tất cả nhân viên Trung Quốc về nhà đón Tết Nguyên đán không trở lại Indonesia, một giám đốc cấp cao giấu tên của công ty cho biết. Nguồn tin nói thêm rằng hơn 100 nhân viên Trung Quốc, chủ yếu là công nhân lành nghề và quản lý, chưa thể quay lại Indonesia làm việc.
"Chúng tôi phải tập trung vào những phần việc ít quan trọng hơn của dự án đường sắt này, tới khi một số nhân lực chủ chốt quay lại", nguồn tin cho hay. "Chúng tôi đang có một khởi đầu vô cùng tệ vào năm 2020. Dự án vốn đình trệ bởi sự chậm trễ và những tranh cãi giờ đây đối mặt thách thức lớn hơn vì dịch bệnh".
Văn phòng của các quản lý cấp cao người Trung Quốc tại Đặc khu Kinh tế Sihanoukville ở Campuchia cũng trống vắng. Khu vực này được coi là dự án mang tính "bước ngoặt" trong sáng kiến BRI, bao gồm hơn 160 doanh nghiệp và khoảng 20.000 công nhân.
Hầu hết công nhân trong các nhà máy do Trung Quốc điều hành là người Campuchia, nhưng thách thức đối với việc duy trì hoạt động vẫn nghiêm trọng bởi họ phụ thuộc vào nguồn cung ứng vật tư từ Trung Quốc.
Một số kế hoạch khác thuộc sáng kiến BRI chịu tác động từ dịch Covid-19 rõ ràng hơn, như nhà máy nhiệt điện Payra tại Bangladesh, công trình dự kiến bắt đầu đưa vào hoạt động thương mại từ đầu tháng 2. Tuy nhiên, dịch Covid-19 khiến Bangladesh lo ngại và tuyên bố hoãn kế hoạch này, cùng vài dự án xây dựng khác.
Đường hầm Dịch thuật miền trung tại Huế Blog thuộc dự án đường sắt cao tốc Jakarta - Bandung ở Indonesia hồi tháng 5/2019. Ảnh: Xinhua . |
Bành Thanh Hoa, quan chức phụ trách Ủy ban Giám sát và Quản lý Tài sản Quốc gia Trung Quốc, hôm 18/2 thừa nhận dịch Covid-19 gây ra "nhiều khó khăn" cho một số dự án và kế hoạch đầu tư ở nước ngoài, nói thêm rằng Bắc Kinh "đã liên lạc với các công ty, đơn vị chủ quản và chính quyền nước ngoài sớm nhất có thể, nhằm nhận được sự hỗ trợ và cảm thông".
Trước khi dịch Covid-19 bùng phát, sáng kiến BRI từng gặp trở ngại hồi năm 2018, khi nhiều quan chức Indonesia, Malaysia, Sri Lanka và một số nước khác chỉ trích các dự án tốn kém và không cần thiết. Một số quốc gia đã xem xét hủy bỏ hoặc giảm bớt các điều khoản vay nợ trong dự án, viện dẫn những lo ngại về chi phí, tổn hại chủ quyền và tham nhũng, khiến Trung Quốc buộc phải thu hẹp quy mô một số dự án.
Nick Marro, chuyên gia tại Cơ quan Tình báo Kinh tế có trụ sở ở Anh, cảnh báo tình trạng đình trệ có thể khiến thời gian thực hiện các dự án thuộc BRI bị kéo dài, dẫn tới tăng chi phí. Thêm vào đó, dù dịch bệnh có thể chỉ ảnh hưởng đến những hoạt động trong quý đầu tiên, tốc độ tăng trưởng chậm hơn của kinh tế Trung Quốc sẽ tác động đến cả khu vực và toàn cầu, Marro nhận định.
Mặc dù vậy, giám đốc giấu tên của một công ty cho biết "những dự án mới có thể bị trì hoãn một chút, nhưng không quá nghiêm trọng". Ban quản lý Hành lang Kinh tế Trung Quốc - Pakistan (CPEC), siêu dự án trị giá 62 tỷ USD, cũng trấn an rằng dịch Covid-19 chưa gây ra tác động nào với họ, dù một số nhân viên quản lý bị cách ly sau khi từ Trung Quốc quay lại làm việc.
Ánh Ngọc (Theo Reuters )
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét