Năm 2012, từ mẻ rang củi thủ công đầu tiên bằng 2 cái chảo cho ra 20 kg hạt điều rang muối thành phẩm, đến nay doanh số của Công ty TNHH MTV hạt điều Hoàng Phú đã cán mốc gần một triệu USD một năm nhờ phát minh máy rang hạt điều bằng củi. Đây không phải là con số quá lớn với một doanh nghiệp trong ngành điều, nhưng với ông Hoàng Chuẩn - chủ công ty Hoàng Phú, đó là thành quả của nỗ lực vượt bậc.
Sinh ra tại huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế, là con trai thứ trong gia đình nghèo 5 chị em, sớm mồ côi cha từ khi lên 7 tuổi, nên đang học lớp 5, cậu bé Hoàng Chuẩn đã phải phụ giúp mẹ kiếm tiền mưu sinh. Thấy có bạn cùng xóm bán kem kiếm được tiền, Chuẩn quyết định hỏi mượn người chị bà con được 5 đồng làm vốn, hăm hở đi bộ từ lúc 4h sáng đến chỗ lấy kem cách cả chục km.
"Đường xa, nên phải tranh thủ đến sớm để lấy hàng ngon bán cho được, đến khi về đến nhà thì trời đã tối. Dù cực khổ, nhưng bán kem có tiền, hôm nào bị ế mang về cho anh chị em ăn, lúc ấy thấy vui lắm", ông Chuẩn nhớ lại.
Ông Hoàng Chuẩn bên chiếc máy rang hạt điều bằng củi. |
Sau năm 1975, một mình mẹ dắt díu 4 chị em đi kinh tế mới cách nhà 30 km, ông Chuẩn vẫn cố bám lấy ngôi trường, sáng đi học chiều đi mót lúa, làm mướn. Sau 3 tháng, hết mùa vụ, ông lại đi nhặt phế liệu kiếm sống.
Nghe tin người chị gái vào Nam lập nghiệp, nên năm 1979 Chuẩn nhảy tàu vào theo để tìm sinh kế. Đất đai trù phú của vùng Long Khánh (Đồng Nai) đã níu chân chàng trai trẻ trong một thời gian. Nhưng nỗi nhớ người mẹ đơn thân ngày ngày đi cấy lúa mướn dưới cái lạnh thấu xương của vùng đất xứ Huế, khiến Chuẩn lại quay về quê.
Năm 1981 nghe có chế độ tuyển mộ công nhân cao su vùng Sông Bé (nay là Bình Phước, Bình Dương), một lần nữa Chuẩn xa quê hương. Lần này chàng trai trẻ thuyết phục cả gia đình và 10 hộ cùng xóm vào Nam, chọn Bình Phước làm chốn lập nghiệp.
Sau 6 năm làm công nhân, Chuẩn sang tận Campuchia làm nghề xẻ gỗ, nhưng rồi mất 2 năm vẫn tay trắng trở về nhà. Không nản chí, gom được ít vốn, năm 1999 Chuẩn chuyển hướng thu mua hạt điều, nông sản. Khi thị trường lên xuống thất thường, ông lại đầu tư xây nhà máy nước đá kiếm thêm thu nhập. Cùng lúc ấy giá dầu trồi sụt khiến ông phải đóng cửa nhà máy nước đá sau 5 năm hoạt động, nên lại đi buôn hạt điều.
"Cứ mỗi dịp giáp tết, tôi hay chọn hạt điều đã chế biến làm quà biếu cho bạn hàng, nhưng phải xuống tận Bình Dương để mua, bởi khi đó hạt điều rang muối ở Bình Phước hiếm ai làm, họ chỉ làm nhân trắng để xuất khẩu. Vậy là trong đầu tôi lóe lên suy nghĩ đây là sản phẩm của tương lai", ông Chuẩn nhớ lại.
Qua nhiều Trung tâm dịch thuật ngày suy nghĩ, ông Chuẩn xuống Bình Dương nơi có nhiều cơ sở sản xuất hạt điều rang muối để tìm hiểu quy trình sản xuất thế nào. Đến đâu, ông cũng thấy họ rang bằng thủ công. Có những nơi sử dụng máy nhiệt điện, gas để rang, nhưng chất lượng sản phẩm không bằng hạt điều được rang bằng củi cho ra mùi thơm đặc biệt.
"Người ta nói ngũ thập đã tri thiên mệnh, còn lúc ấy tôi đã ngoài 50 tuổi mới lò dò khởi nghiệp. Nhưng tôi nghe nói ông chủ KFC cũng ngoài 60 tuổi mới bắt đầu kinh doanh, rồi trở thành tỷ phú. Điều ấy cho thấy tuổi tác không quan trọng, chỉ cần mình theo đuổi ước mơ làm giàu là được", ông Chuẩn biện dẫn cho quyết tâm khởi nghiệp gần cuối năm 2012 khi thành lập công ty Hoàng Phú.
Cơ sở sản xuất của ông đặt tại tư gia chỉ rộng khoảng 50 m2, gồm 2 cái chảo, cái thùng phuy dùng để hấp, cùng cái máy chẻ hạt điều thô sơ. Ông cùng vợ thay phiên nhau vừa sơ chế, vừa rang hạt mang ra chợ để bán. Dù giá cao hơn so với thị trường, nhưng với hương vị đặc trưng, hạt điều rang muối bằng củi của ông Chuẩn tiêu thụ tốt.
Năm 2013, sản phẩm của Hoàng Phú được Bộ Công Thương chứng nhận là sản phẩm thương hiệu Việt tiêu biểu và đề cử đại diện ngành điều Việt Nam tham gia Hội chợ Quốc tế Quảng Châu, Trung Quốc.
"Mang theo 70 kg, ngày đầu hàng của công ty đã hết sạch, nên hôm sau tôi không bán, chỉ để quảng bá. Mấy tháng sau, có khách hàng từ Trung Quốc tới tận công ty đặt hàng. Nhưng vì gặp nhiều khó khăn về thủ tục, tôi thôi không làm hàng xuất khẩu"
Nhận thấy nhu cầu ngày càng lớn, Hoàng Chuẩn cùng con trai đẩy mạnh kế hoạch bán hàng. Thị trường đầu tiên mà ông nhắm tới là miền Tây vì ông cho rằng nhu cầu từ các quán nhậu vùng này rất lớn. Thế nhưng sau 2 năm ông đã thất bại vì công nợ nhiều, mà hàng thật giả lẫn lộn, trong khi sản phẩm công ty ông giá lại cao.
Không nản chí, ông Chuẩn bàn với người con trai chuyển hướng về các điểm du lịch. Nhưng trước hết phải tiến hành cải tiến khâu sản xuất cho phù hợp.
"Cách rang bằng chảo vừa khói, ngồi cạnh bếp lửa bị muối hắt vào mặt, mà mỗi ngày cố gắng lắm chỉ rang được khoảng 30 kg. Có hôm hai vợ chồng động viên nhau rang tới tận 12h đêm vì đã hứa với khách hàng", ông Chuẩn kể.
Sau một tuần tập trung nghiên cứu, ông đã chế tạo thành công máy rang di động, đặt tên là máy lò rang hạt điều, rất dễ vận chuyển vì trọng lượng chỉ 220 kg, có thể điều khiển từ xa, đáp ứng với phương cách bán hàng di động. Máy rang này cho năng suất gấp 5 lần so với lò rang thủ công, chi phí khoảng 15 triệu đồng, có thể rang tất cả loại hạt.
Máy rang hạt điều thay chảo đã giúp cơ sở của ông Chuẩn thay thế sức lao động cho hơn 10 công nhân ngồi rang bằng tay, đồng thời giảm chi phí. "Ví dụ với 100 kg chế biến mỗi ngày, máy rang mang lại lợi nhuận 700.000 đồng. Tỷ lệ hạt điều được rang từ máy chín đều, không bị cháy nám, có màu hồng tươi, hạt căng tròn, dễ bóc tách vỏ lụa, có hương vị đặc trưng, thời gian bảo quản lâu", ông Chuẩn nói và chia sẻ thêm, trong quy trình chế biến thì bếp rang quyết định sự thành bại của sản phẩm. Theo ông củi phải cháy râm ran, không được cháy phừng. Nếu rang bị sống thì hạt sẽ chảy dầu, nếu cháy thì mất đi hương vị. Với loại hạt này, càng rang khô càng hao hụt trọng lượng, nhưng ông vẫn quyết định phải rang 20 phút, trong khi nhiều nơi khác chỉ rang 10 phút.
Về nguyên liệu đầu vào, ông Chuẩn chủ trương chỉ mua hạt điều sạch, bằng cách mạnh dạn bao tiêu, thu mua sản phẩm từ người đồng bào vì họ trồng không dùng thuốc trừ sâu và hái lượm tự nhiên.
"Tôi không mua qua trung gian, mà mua trực tiếp, hướng người dân trồng và thu hoạch theo chuẩn của Hoàng Phú. Khi thu hoạch nếu người trồng không có chỗ phơi thì mang ra Hoàng Phú sẽ được hỗ trợ", ông tự tin nói đó là cách giúp người nông dân bảo vệ thương hiệu của mình tốt nhất.
Tháng 12/2018 đánh dấu mốc quan trọng khi hạt điều Hoàng Phú là một trong 4 đơn vị trên tổng số hơn 1.000 cơ sở sản xuất hạt điều cả nước được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý.
Mai Thương
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét